Nhật kí hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian (27)

BỞI VÌ MẤY ÔNG NGƯỜI NGA KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG LÀ THIÊN TÀI

Sau khi bà tôi mất, tôi tưởng như chỉ muốn bò vào trong quan tài cùng bà. Sau khi bạn thân nhất của bố tôi bị bắn vào mặt, tôi tự hỏi liệu số phận có khiến tôi cũng bị bắn vào mặt không.

Nghĩ đến việc có biết bao nhiêu người Spokane trẻ tuổi đã chết vì tai nạn ô tô, tôi dám chắc phần nào rằng định mệnh của tôi cũng là chết vì tai nạn ô tô.

Trời, tôi đã dự quá nhiều đám tang trong cuộc đời ngắn ngủi của mình.

Tôi mười bốn tuổi vậy mà đã dự những bốn mươi hai tang lễ.

Đó mới thực sự là điểm khác biệt lớn nhất giữa người Anh Điêng và người da trắng.

Vài ba người bạn da trắng cùng lớp với tôi đã từng dự tang lễ của ông bà. Vài ba đứa đã mất đi một người cô, chú nào đó. Anh của một đứa chết vì bệnh bạch cầu khi nó đang học lớp ba.

Nhưng không một ai dự nhiều hơn năm tang lễ cả.

Tất thảy những đứa bạn da trắng của tôi chỉ đếm được những cái chết họ biết trên một bàn tay.

Còn tôi có thể đếm trên ngón tay, ngón chân, cánh tay, đôi chân, mắt, tai, mũi, dương vật, hai mông, núm vú, mà vẫn còn kém xa số cái chết mà tôi biết.

Bạn có biết điều tồi tệ nhất là gì không? Điều bất hạnh nhất? Khoảng 90 phần trăm những cái chết ấy là vì rượu.

Gordy đưa tôi một quyển sách của một ông người Nga tên là Tolstoy, ông viết: “ Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi một gia đình bất hạnh thì bất hạnh theo cách riêng của mình.” Thực ra thì, tôi ghét phải tranh luận với thiên tài người Nga này, nhưng Tolstoy không biết người Anh Điêng. Và ông không biết rằng tất cả các gia đình người Anh Điêng đều bất hạnh vì đích thị một lý do: rượu chè.

Đúng vậy, vì thế hãy để tôi rót cho Tolstoy một chén và để cho ông suy nghĩ thấu đáo cái định nghĩa thực sự về những gia đình bất hạnh.

Được rồi, hẳn bạn đang nghĩ tôi xử sự như vậy quá là cay nghiệt. Tôi phải đồng ý với bạn. Tôi đang xử sự vô cùng cay nghiệt. Thế hãy để tôi kể cho bạn vì sao.

Hôm nay, khoảng chín giờ sáng, khi tôi đang ngôi trong giờ Hóa thì có tiếng gõ cửa, rồi cô cố vấn Warrenm bước vào trong lớp. Tiến sĩ Noble, giáo viên môn Hóa, rất ghét bị làm phiền lúc đang dạy. Vì thế, ông liếc đểu cô Warren. 

“ Tôi có thể giúp gì được cho cô, cô Warren?” tiến sĩ Noble nói. Có điều ông làm cho câu hỏi nghe như một câu lăng mạ.

“ Vâng,” cô trả lời. “ Tôi có thể nói chuyện riêng với Arnold được không?”

“ Việc này không thể đợi được sao? Chúng tôi chuẩn bị làm bài kiểm tra.”

“ Tôi cần phải nói chuyện với Arnold ngay bây giờ. Xin thầy cho phép.”

“ Thôi được rồi. Arnold, đi cùng cô Warren đi.”

Tôi gom hết sách vở lại, đoạn đi theo cô Warren ra ngoài hành lang. Tôi hơi lo lắng. Tôi tự hỏi không biết mình đã làm sai gì chăng. Tôi không nghĩ ra mình đã làm gì đáng để bị phạt cả. Nhưng tôi vẫn lo lắng. Tôi không muốn bị dính tới bất kỳ rắc rối nào cả.

“ Cô Warren, có chuyện gì vậy ạ?” tôi hỏi.

Đột nhiên, cô bật khóc. Nức nở. Những giọt nước mắt to đùng. Tôi tưởng cô sắp ngã xuống sàn rồi bắt đầu gào thét và giãy giụa như một đứa trẻ con hai tuổi.

“ Trời ạ, cô Warren, là gì vậy? Có chuyện gì không ổn ạ?”

Cô ôm tôi thật chặt. Và tôi phải thừa nhận rằng cảm giác đó hạnh phúc vô ngần. Cô Warren hình như đã năm mươi rồi, nhưng trông vẫn nóng bỏng lắm. Người cô thon thả và rắn chắc vì cô suốt ngày chạy bộ. Vì thế tôi, ờm, hơi có phản ứng sinh lý với cái ôm đó.

Vấn đề ở đây là, cô Warren đang ôm tôi chặt quá nên tôi hơi chắc là cô cũng cảm nhận được cái, ờm, phản ứng sinh lý tự nhiên của tôi.

Bạn có biết là tôi cảm thấy tự hào ra phết không?

“ Arnold, cô rất lấy làm tiếc,” cô nói. “ Nhưng cô vừa nhận được điện thoại từ mẹ em. Là chị gái em. Chị ấy vừa qua đời.”
“ Ý cô là gì ạ?” tôi hỏi. Tôi hiểu ý cô, nhưng lại muốn cô nói một chuyện gì khác. Bất kỳ một chuyện nào khác.

“ Chị của em đã đi xa rồi,” cô Warren nói.

“ Em biết là chị ấy đã đi xa,” tôi nói. “ Bây giờ chị ấy đang sống ở Montana mà.”

Tôi biết mình đang xử sự như một thằng ngốc. Nhưng tôi cho rằng nếu mình cứ tiếp tục xử sự như một thằng ngốc, nếu không thực sự chấp nhận sự thật, thì sự thật sẽ không còn đúng nữa.

“ Không,” cô Warren nói. “ Chị của em, chị ấy chết rồi.”

Vậy là hết. Tôi không thể giả vờ không hiểu nữa rồi. Chết là chết.

Tôi sững sờ. Nhưng tôi không buồn. Nỗi đau không hạ gục tôi ngay tức khắc. Không, chủ yếu là tôi thấy xấu hổ bởi, ờm, phản ứng sinh lý trước cái ôm đó. Đúng vậy, tôi đang cương cứng khi được báo tin về cái chết của chị.

Chuyện này đồi bại đến mức nào cơ chứ? Một thằng nhóc có thể bị hưng phấn không đúng lúc đến mức nào chứ?

“ Chị ấy chết như thế nào ạ?” tôi hỏi.

“ Bố em đang đến đón em,” cô Warren nói. “ Vài phút nữa là sẽ có mặt ở đây. Em đợi trong văn phòng của cô cũng được.”
“ Chị ấy chết như thế nào?” tôi hỏi một lần nữa.

“ Bố em đang đến đón em,” cô Warren nói một lần nữa.

Lúc này tôi hiểu rằng cô không muốn nói cho tôi biết chị gái tôi đã chết như thế nào. Tôi đoán rằng đó hẳn phải là một cái chết thảm khốc.

“ Chị em bị sát hại à?” tôi hỏi.

“ Bố em đang tới rồi.”

Trời ạ, cô Warren là một cố vấn DỞ ẸC. Cô không biết phải nói gì với tôi nữa. Nhưng mặt khác, tôi cũng không thể trách cô được. Cô chưa bao giờ khuyên bảo một học sinh có anh chị em ruột vừa chết cả.

“ Chị gái em bị sát hại à?” tôi hỏi.

“ Xin em,” cô Warren nói. “ Em cần phải nói chuyện với bố em.”

Trông cô buồn thảm đến nỗi tôi bỏ qua chuyện này. Thực ra thì, tôi gần như bỏ qua chuyện đó. Tôi thực sự không muốn đợi trong văn phòng cô. Văn phòng cố vấn đầy những quyển sách về kỹ năng sống, những tấm áp phích khích lệ, những quyển sách SAT, catalô của các trường đại học, các tờ đơn xin học bổng, và tôi biết rằng không một thứ nào trong số đó, hoàn toàn không một thứ nào,có ý nghĩa cứt gì cả.

Tôi biết mình chắc hẳn sẽ phá tan văn phòng cô nếu phải đợi ở đó.

“ Cô Warren,” tôi nói. “ Em muốn đợi ở bên ngoài.” 

“ Nhưng trời đang đổ tuyết,” cô nói.

“ Vậy thì, chẳng phải điều đó sẽ làm cho chuyện này thật hoàn hảo sao?” tôi nói.

Đó là một câu hỏi tu từ, có nghĩa là bình thường sẽ không cần câu trả lời, đúng không? Nhưng cô Warren đáng thương, cô đã trả lời câu hỏi  tu từ của tôi.

“ Không, cô nghĩ đợi ngoài trời tuyết không phải là một ý hay,” cô nói. “ Lúc này em đang rất nhạy cảm.”

NHẠY CẢM! Cô vừa bảo rằng tôi nhạy cảm. Chị gái tôi đã chết. Tất nhiên là tôi nhạy cảm rồi. Tôi là một người Anh Điêng đang học ở một ngôi trường toàn người da trắng và chị gái tôi vừa mới chết thật thảm khốc. Tôi là thằng nhóc nhạy cảm nhât nước Mỹ. Rõ ràng là cô Warren đang cố gắng đạt giải thưởng Quá Hiển nhiên.

“ Em sẽ đợi ở bên ngoài,” tôi nói.

“ Cô sẽ đợi cùng em,” cô nói.

“ Mẹ kiếp,” tôi nói rồi chạy.

Cô Warren cố đuổi theo tôi. Nhưng cô đang đi giày cao gót, lại đang khóc và đang sợ phát khiếp trước phản ứng của tôi với cái tin dữ đó. Bởi câu chửi thề của tôi. Cô hiền lành lắm. Quá hiền lành để đương đầu với những cái chết. Vì thế, cô chạy theo được một hai mét thì đành dừng lại rồi ngồi sụp xuống bên tường.

Tôi chạy tới tủ đồ của mình, tóm lấy cái áo khoác, đoạn chạy ra ngoài. Tuyết có lẽ đã dày khoảng ba mươi phân. Sắp có một cơn bão lớn. Tôi bỗng thấy lo rằng bố tôi có thể bị đâm xe trên con đường đóng băng.

Ôi trời, nếu thế thì chuyện này chằng phải sẽ hoàn hảo sao?

Đúng thế, chuyện đó hợp với người Anh Điêng đến mức nào cơ chứ?

Hãy tưởng tượng câu chuyện mà tôi có thể kể lại.

“ Đúng vậy, khi còn là một cậu bé, ngay sau khi biết chị gái mình vừa mất, tôi cũng nhận được tin bố tôi đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi trên đường tới trường đón tôi.”

Vì thế, trong lúc chờ tôi vô cùng hoảng loạn.

Tôi cầu Chúa rằng bố tôi sẽ đến trên cái xe cà tàng của ông.

“ Xin Chúa, làm ơn đừng giết bố con. Xin Chúa, làm ơn đừng giết bố con. Xin Chúa, làm ơn đừng giết bố con.”

Mười, mười lăm, hai mươi, ba mươi phút trôi qua. Tôi lạnh cóng. Tay chân chẳng khác nào những khối lượng băng lớn. Nước mũi lò thò chảy trên mặt tôi. Tai tôi lạnh ngắt.

“ Ôi, bố ơi, làm ơn đi mà, ôi, bố, làm ơn đi mà, ôi, bố ơi, làm ơn đi mà.”

Ôi trời, tôi đã hoàn toàn tin rằng bố tôi cũng đã chết. Đã lâu quá rồi. Có khi ông đã lao thẳng xe xuống một vách núi và chết đuối ở sông Spokane. Hoặc ông mất kiểm soát, trượt ngang vạch giữa đường, và xoay xe lao vào đúng đường đi của một cái xe chở gỗ.

“ Bố ơi, bố ơi, bố ơi, bố ơi.”

Ngay khi tôi chuẩn bị gào thét đến nơi và chạy xung quanh như một thằng điên thì bố lái xe tới.

Tôi bắt đầu cười sằng sặc. Cảm giác thật nhẹ nhõm, thật hạnh phúc, đến nỗi tôi đã CƯỜI. Và không thể ngừng cười được.
Tôi chạy xuống đồi, nhảy vào trong xe, ôm chầm lấy bố. Tôi cười, cười cười mãi không thôi.

“ Junior,” ông nói. “ Con bị làm sao vậy?”

“ Bố vẫn còn sống!” tôi hô to. “ Bố vẫn còn sống.”

“ Nhưng chị con…,” ông nói.

“Con biết, con biết,” tôi nói. “ Chị ấy chết rồi. Nhưng bố vẫn còn sống. Bố vẫn còn sống.”

Tôi cười sặc sụa. Tôi không thể ngừng cười được. Tôi cảm thấy mình có thể sẽ chết vì cười.

Tôi vẫn không hiểu nổi tại sao mình lại cười. Nhưng tôi vẫn cười trong lúc bố lái xe ra khỏi Reardan rồi tiến thẳng qua cơn bão về khu Anh Điêng.

Sau đó, cuối cùng, khi chúng tôi vượt qua ranh giới vào đến khu Anh Điêng, tôi thôi không cười nữa.

“ Chị chết như thế nào ạ? Tôi hỏi.

“ Có một bữa tiệc lớn ở nhà chị con, cái nhà xe di dộng của chị ở Montana…,” ông nói.

Đúng thế, hai vợ chồng chị tôi trong một nhà xe di động màu bạc trông giống một cái khay đồ ăn liền hơn là một tổ ấm.

“ Chúng tổ chức một bữa tiệc lớn…,” bố tôi nói.

TẤT NHIÊN BỌN HỌ ĐÃ TỔ CHỨC MỘT BỮA TIỆC LỚN! TẤT NHIÊN BỌN HỌ ĐÃ XAY SỈN!BỌN HỌ LÀ NGƯỜI ANH ĐIÊNG MÀ!
“ Chúng tổ chức một bữa tiệc lớn,” bố tôi nói. “ Và hai vợ chồng chị con đều bất tỉnh ở phòng ngủ phía đằng sau. Ai đó đã cố đều bất tỉnh ở phòng ngủ phía đằng sau. Ai đó đã cố nấu ít xúp trên một cái bếp du lịch. Họ quên mất nên cứ thế bỏ đi. Rèm cửa bị gió thổi và bén lửa từ cái bếp đó, thế là cả căn nhà bị thiêu rụi trong chớp mắt.”

Tôi thề với bạn rằng tôi nghe thấy được cả tiếng gào thét của chị tôi.

“ Cảnh sát nói rằng chị con thậm chí còn không tỉnh dậy,” bố nói. “ Nó đã say bí tỉ.”

Bố đang cố gắng an ủi tôi. Nhưng không dễ chịu cho lắm khi được biết rằng chị gái mình đã QUÁ SAY nên không thấy đau đớn trong khi bị THIÊU CHÁY ĐẾN CHẾT!

Và vì một lý do nào đó, ý nghĩ ấy còn khiến tôi cười to hơn. Tôi cười nhiều đến nỗi đã nôn ra chút gì đó ở trong miệng. Tôi nhổ ra một mẩu dưa vàng. Thật lạ, bởi tôi vốn không thích ăn dưa vàng. Tôi ghét loại dưa này từ khi còn nhỏ. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối mình ăn loại xấu xa đó là lúc nào.

Rồi tôi nhớ ra rằng chị tôi thích dưa vàng từ tấm bé.

Điều đó không kỳ lạ sao?

Kỳ lạ đến mức tôi cười to hơn nữa. Tôi bắt đầu đập thình thình cái đồng hồ côngtơmét và giậm uỳnh uỳnh xuống sàn xe.

Trong lúc cười, tôi đã hoàn thành mất trí.

Bố tôi chẳng nói một lời nào. Ông chỉ nhìn thẳng về phía trước và lái xe về nhà. Tôi cười suốt dọc đường. Thực ra, tôi cười cho tới lúc đi được nửa đường thì ngủ thiếp đi.

Tách, li bì luôn.

Mọi việc đã trở nên căng thẳng, đau đớn, đến nỗi thân thể tôi ngừng hoạt động luôn. Đúng thế, cả tâm trí, linh hồn lẫn trái tim tôi vừa tổ chức một cuộc họp nhỏ và đã bỏ phiếu cho việc ngừng hoạt động để sửa chữa đôi chỗ.

Và bạn biết không? Tôi đã mơ thấy dưa vàng!

Tôi đã mơ về một buổi dã ngoại ở trường mà tôi tham gia hồi mới bảy tuổi. Ở đó có xúc xích, hamburger, nước xô đa, khoai tây chiên, dưa hấu và dưa vàng.

Tôi đã ăn, hình như, bảy miếng dưa vàng.

Cả tay và mặt tôi đều dinh dính và ngòn ngọt.

Tôi ăn nhiều dưa vàng quá nên đã biến thành một quả dưa vàng.

Rồi thì, tôi ăn nốt bữa trưa, sau đó chạy ra sân chơi, đang cười nói, thét gào ầm ĩ thì thấy buồn buồn ở trên má. Tôi giơ tay lên gãi thế là bóp bẹp một con ong bắp cày đang hút đường từ má tôi.

Bạn đã bao giờ bị đốt ở trên mặt chưa? Đúng, tôi từng bị rồi, và đó là lý do tôi ghét dưa vàng.

Xong rồi, tôi tỉnh dậy khỏi giấc mơ đó, cơn ác mộng đó, ngay lúc bố lái xe tới nhà.

“ Chúng ta đến nơi rồi,” ông nói.

“ Chị con chết rồi,” tôi nói.

“ Ừ.”

“ Con cứ mong rằng chuyện ấy chỉ là mơ thôi,” tôi nói.

“ Bố cũng thế.”

“ Con đã mơ thấy lần con bị ong bắp cày đốt,” tôi nói.

“ Bố vẫn nhớ chuyện đó,” bố nói. “ Bố mẹ đã phải đưa con vào bệnh viện.”

“ Con tưởng rằng mình chết đến nơi rồi.”

“ Bố mẹ cũng đã rất sợ.”

Bố tôi bắt đầu khóc. Không phải những giọt nước mắt lớn. Chỉ là những giọt nhỏ. Ông hít vào thật sâu và rắn trước mặt con trai. Nhưng việc đó không thành công. Ông vẫn cứ khóc.

Tôi không khóc.

Tôi vươn tay ra, lau nước mắt trên mặt bố, rồi nếm chúng.
Mằn mặn.

“ Bố yêu con,” ông nói.

Ồ.

Ông gần như chẳng bao giờ nói thế với tôi cả.

“ Con cũng yêu bố,” tôi nói.

Tôi chưa bao giờ nói thế với ông.

Chúng tôi bước vào nhà.

Mẹ tôi co tròn như một quả bóng trên đi văng. Dường như có khoảng hai lăm hay ba mươi anh em họ ở đó, ăn hết thức ăn của chúng tôi.

Ai đó chết và rồi mọi người ăn hết thức ăn của bạn. Chuyện đó quả là nực cười.

“Mẹ à,” tôi nói.

“ Ôi, Junior,” bà nói, đoạn kéo tôi về phía cái đi văng với bà.

“ Con rất tiếc, mẹ à. Con thật sự rất tiếc.”

“ Đừng bỏ mẹ,” bà nói. “ Đừng bao giờ bỏ mẹ.”

Bà đang phát hoảng. Nhưng ai có thể trách bà? Bà đã mất đi cả mẹ và con gái mình chỉ trong vòng vài tháng. Ai có thể hồi phục lại sau một chuyện như thế chứ? Ai có thể đỡ được đây? Tôi biết lúc này mẹ đang đau đớn và bà sẽ còn mãi đau đớn.

“ Con đừng hòng uống rượu đấy,” mẹ nói với tôi. Bà tát tôi. Một cái, hai cái, ba cái. Bà tát tôi thật MẠNH. “ Hứa với mẹ rằng con sẽ không bao giờ uống rượu đi.”

“ Được rồi, được rồi, con hứa,” tôi nói. Tôi không tin nổi chuyện này. Chị gái tôi đã tự sát bằng rượu mà tôi lại là người bị ăn tát.
Leo Tolstoy đã ở đâu khi tôi cần ông? Tôi cứ mong rằng ông sẽ xuất hiện để mẹ tôi có thể tát ông chứ không  phải tôi.

Sau đó, mẹ ngừng tát tôi, tạ ơn Chúa, nhưng bà cứ ôm lấy tôi hàng tiếng đồng hồ. Ôm chặt như thể tôi là một đứa bé. Và bà tiếp tục khóc. Khóc như mưa gió. Quần áo, tóc tai tôi đều ướt sũng nước mắt bà.

Cứ như thể mẹ đã tắm tôi trong cơn mưa sầu muộn, bạn biết không?

Như kiểu bà đã rửa tội cho tôi bằng nỗi đau của bà.

Tất nhiên, điều đó quá kỳ cục khó mà chứng kiến. Vì vậy, tất cả anh chị em họ của tôi bỏ về. Bố tôi thì đi vào trong phòng ngủ của mình.

Chỉ còn lại mẹ và tôi. Chỉ còn nước mắt của bà và tôi.

Nhưng tôi không khóc. Tôi chỉ ôm bà và mong sao tất cả chuyện này kết thúc. Tôi muốn lại thiếp đi và mơ về những con ong bắp cày chết người. Đúng thế, tôi nghĩ rằng bất kỳ cơn ác mộng nào cũng vẫn còn tốt hơn hiện thực.

Và rồi nó kết thúc.

Mẹ ngủ thiếp đi nên buông tôi ra. 

Tôi đứng dậy, đi vào bếp. Tôi đói mềm cả người nhưng đám anh chị em họ đã ăn gần hết thức ăn của chúng tôi. Vì thế, tất cả những gì tôi ăn vào bữa tối là bánh quy mặn và nước lọc.

Như thể tôi đang ở trong tù vậy.

Trời ạ.

Hai ngày sau, chúng tôi chôn chị gái tôi ở nghĩa địa Thiên Chúa giáo gần khu đất họp tế lễ.

Tôi hầu như không nhớ gì về lúc phát tang. Tôi hầu như không nhớ gì về những nghi thức tang lễ. Tôi hầu như không nhớ gì về buổi an táng.

Tôi như ở trong một làn khói mờ kỳ lạ này.

Không.

Đúng hơn là giống như thể tôi đang ở trong một căn phòng nhỏ, căn phòng nhỏ nhất thế giới. Tôi có thể vươn ra, chạm vào tường, chúng được làm từ những tấm kính màu đục. Tôi nhìn thấy những cái bóng nhưng không thể rõ từng chi tiết, bạn hiểu không?

Và tôi lạnh.

Lạnh cóng.

Tựa hồ có cơn bão tuyết đang thổi ở trong ngực tôi. 

Nhưng tất cả những lớp sương mù, nhưng tấm kính màu và tuyết đều biến mất khi họ hạ quan tài chị tôi xuống dưới mộ. Để tôi nói cho bạn biết, họ đã mất bao nhiêu thời gian mới đào được mộ trên mặt đất đã đóng băng ấy. Khi cỗ quan tài đã nằm yên ổn dưới đất, nó tạo ra một âm thanh, gần giống như tiếng thở, bạn biết không?

Giống như một tiếng thở dài.

Giống như cỗ quan tài đang nằm yên trong một giấc ngủ dài, thật dài, một giấc ngủ thiên thu.

Chỉ đến thế là cùng.

Tôi phải ra khỏi đó.

Tôi quay đi, chạy ra khỏi nghĩa địa rồi chạy vào khu  rừng phía bên kia đường. Tôi định chạy thật sâu vào trong rừng. Sâu đến mức không ai tìm thấy được tôi. 

Nhưng bạn đoán thử xem chuyện gì đã xảy ra?

Tôi hộc tốc đâm bổ vào Rowdy, thế là cả hai cùng ngã vật ra.

Đúng vậy, Rowdy đã trốn vào rừng trong lúc theo dõi lễ tang.

Ồ.

Rowdy ngồi dậy. Tôi cũng ngồi dậy.

Chúng tôi ngồi đó cạnh nhau.

Rowdy đang khóc. Mắt cậu sáng bóng những giọt nước mắt.

“ Rowdy,” tôi nói. “ Cậu đang khóc kìa.”

“ Tao đâu có khóc,” cậu nói. “ Mày đang khóc thì có.”

Tôi chạm vào mặt mình. Nó khô mà. Chưa có giọt nước mắt nào cả.

“ Tớ không nhớ nổi cách khóc nữa,” tôi nói.

Câu nó đó khiến Rowdy nghẹn lại. Cậu thở hơi hổn hển. Và nước mắt tiếp tục chảy dài trên má cậu.

“ Cậu đang khóc,” tôi nói.

“ Đậu, tao đâu có khóc.”

“ Không sao đâu; tớ cũng nhớ chị tớ. Tớ yêu chị ấy mà.”

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Developed by Tiepthitute